Dự án “Mục tiêu xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững ở Việt Nam” hướng tới tăng cường lồng ghép yếu tố xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược và vai trò tích cực của Bộ LĐ-TBXH và các Bộ, Ngành trong việc thúc đẩy quá trình này. Dự án góp vào nỗ lực chung của GIZ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.

 

Cổng TTĐT Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TBXH) phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, đánh giá tác động xã hội là hoạt động trong quá trình xây dựng chính sách của các Bộ, Ngành. Đây là công cụ hữu ích cho phép phân tích, dự báo các tác động xã hội (bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực) do chính sách, chiến lược có thể mang lại, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực hoặc các phương án bồi thường phù hợp cho nhóm bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực.

“Thời gian qua, Bộ LĐ-TBXH đã chủ động tiến hành một số hoạt động liên quan tới việc nâng cao năng lực chuyên môn cho các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, hoàn thiện quy trình đánh giá tác động xã hội trong việc đánh giá tác động chính sách nhằm hướng tới đảm bảo các mục tiêu về xã hội trong phát triển bền vững nói chung và trong xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành nói riêng” - ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh.

Cổng TTĐT Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Ông Trần Văn Lợi – Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp phát biểu tại Diễn đàn

Chia sẻ về việc đánh giá tác động xã hội của chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Trần Văn Lợi – Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Đánh giá tác động xã hội của chính sách là hoạt động đánh giá bắt buộc khi xây dựng chính sách, giải pháp thực hiện chính sách. Bất kỳ một chính sách, giải pháp thực hiện chính sách nào cũng phải thực hiện đánh giá tác động xã hội, kinh tế, hệ thống pháp luật. Tác động về xã hội của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lợi cũng thừa nhận hiện nay chưa phân biệt các nhóm đối tượng để đánh giá mà chỉ đánh giá rất chung chung. Nội dung đánh giá tác động xã hộicó nhiều vấn đề chưa được liệt kê trong luật như tội phạm, dư luận xã hội, dân số... ”Bộ Tư pháp đang sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó sẽ làm rõ hơn, yêu cầu cụ thể hơn một số vấn đề của đánh giá tác động của xã hội” – ông Trần Văn Lợi cho biết

Trao đổi về xu hướng chú trọng các vấn đề xã hội trên thế giới, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thái Lan – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) 2030 có 7/17 mục tiêu tập trung vào các vấn đề xã hội và tăng trưởng bền vững: xóa nghèo, xóa đói; đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; đảm bảo giáo dục chất lượng; bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; v.v...Trong Cộng đồng ASEAN, các ưu tiên trong lĩnh vực xã hội có những định hướng mới với các mục tiêu bao chùm đến 2025: các nội dung cụ thể liên quan đến hòa nhập xã hội; quyền con người; cơ chế; đối thoại; chăm sóc sức khỏe; chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội v.v...

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về đánh giá tác động xã hội và giới của nhóm các nhà quản lý hoạch định chính sách và nhóm chuyên gia trực tiếp thực hiện đánh giá tác động xã hội trong thực tế.