Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê tại Báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm quý 1/2023 ngày 6/4, thị trường lao động quý 1/2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước…

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng lực lượng lao động so với quý trước tăng mạnh vào thời điểm mở cửa sau dịch Covid 19 - quý 4 năm 2021 (3,4%) nhưng bắt đầu năm 2022, tốc độ tăng lực lượng lao động so với quý trước có dấu hiệu giảm dần, tỷ lệ này giảm từ 0,9% ở quý 1/2022 xuống 0,5% ở quý cuối năm. Đến quý 1/2023, tốc độ tăng lực lượng lao động duy trì tại mức 0,2%.

Lực lượng lao động quý 1/2023 tăng nhẹ.
Lực lượng lao động quý 1/2023 tăng nhẹ.

“Với các biến động tiêu cực từ thị trường lao động cũng như tình hình kinh tế xã hội, lực lượng lao động đang có dấu hiệu tăng chậm lại so với thời điểm sau dịch Covid-19”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Số người có việc làm nhìn chung trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng so với quý trước, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Cụ thể, số lao động có việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4,0%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%. Điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.

Thị trường lao động quý 1/2023 duy trì đà phục hồi - Ảnh 1

Trong tổng số 51,1 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20,0 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,1%, tương đương 13,8 triệu người. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, qui mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 285,6 nghìn người và 53,6 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng lần lượt là 360,9 nghìn người và 566,9 nghìn người; lao động trong ngành dịch vụ tăng lần lượt là 38,1 nghìn người và 599,3 nghìn người. 

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 1 là 7,0 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thu nhập bình quân của lao động trên cả nước tăng, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh,... So với quý trước, thất nghiệp quý 1/2023 giảm cả về số lượng và tỷ lệ trên cả nước, nhưng các chỉ báo ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn trái ngược.

So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) giảm, tuy nhiên tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng.

So với quý trước, số lao động nghỉ giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong quý đầu năm 2023 giảm, trong khi đó số lao động mất việc tăng lên.

Thị trường lao động quý 1/2023 duy trì đà phục hồi - Ảnh 2

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất 3 giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử...

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.