Tham dự buổi Tọa đàm có Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình và ông Ngô Xuân Liễu- Giám đốc Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) tham dự.

leftcenterrightdel
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho biết: tọa đàm là hoạt động rất quan trọng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, của địa phương xem nhu cầu về thể chế, chính sách. Từ đó, Bộ LĐTBXH có thể kiến nghị với Chính Phủ ban hành trong thời gian tới. 10 năm qua, thị trường lao động của chúng ta quy mô còn nhỏ, các thể chế thị trường lao động mới được thiết lập có hành lang pháp lý như Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm.

Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và đang đề xuất dự án đầu tư. Việc này đảm bảo một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc; gắn với việc làm trống. Khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ tiến tới hoàn thiện hệ thống giao dịch việc làm toàn quốc hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn. Để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại, bắt buộc chúng ta phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển. Cần ban hành hành lang pháp lý bao gồm các quy định, chính sách cụ thể đối với từng loại hình sàn giao dịch việc làm thông qua các văn bản Luật và văn bản dưới Luật...

Đặc biệt, để sàn giao dịch việc làm Quốc gia phát triển và tận dụng được sức mạnh của xã hội thì sự tham gia của nhà nước, tư nhân, các hiệp hội nghề nghiệp là vô cùng cần thiết. Các đơn vị này sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, người lao động tới hệ thống sàn tập trung của Quốc gia. Và ngược lại, các đơn vị này cũng là nơi để sàn chuyển tải thông tin, chính sách mới nhất tới doanh nghiệp và người lao động.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm

Trao đổi tại cuộc Toạ đàm, các đại biểu cho rằng các sàn giao dịch việc làm nhà nước tổ chức hiện nay việc thu hút người lao động tham gia tìm việc, doanh nghiệp đến tuyển dụng còn ở mức khiêm tốn. Để có nguồn lao động nhiều doanh nghiệp phải tìm đến các trang mạng việc làm và phải trả phí. Theo đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị chính quyền các địa phương cần nhìn nhận lại tầm quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, kết nối sàn giao dịch việc làm cho người lao động trên địa bàn sẽ góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội cũng như ổn định an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng Sàn giao dịch việc làm hoàn toàn có thể kết nối với các sàn giao dịch việc làm các quốc gia khác. Giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiếp cận với thông tin nguồn lao động đã được kiểm chứng của chúng ta. Và cũng giúp người lao động của chúng ta tiếp cận được các nguồn thông tin chính xác và các doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

Để các sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, cần xây dựng kết nối đồng bộ hệ thống sàn giao dịch việc làm online cũng như dữ liệu về lao động - việc làm liên thông trong cả nước để đạt hiệu quả tốt nhất; xây dựng ứng dụng mobile (app mobile) tích hợp nhiều tiện ích về: việc tìm người, người tìm việc, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp...

Tọa đàm đã bàn thảo nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề xây dựng cho sàn giao dịch việc làm có cơ chế rõ ràng, hoạt động minh bạch, kết nối tốt cung cầu lao động, chi phí thấp, huy động được sự đầu tư của tư nhân... qua đây đã góp phần gợi mở và làm rõ hơn các định hướng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về việc làm trong thời gian tới.