Hàng năm Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang mở nhiều khóa đào tạo nghề cho hàng trăm người lao động, trong đó có những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp họ chủ động hơn trong việc nâng cao kỹ năng cho bản thân để sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, những lớp đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn,.. của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền giang đã trở thành một trong những địa chỉ tin cậy của người lao động nói chung và người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nói riêng. Từ những lớp học này, mở ra một chặng đường mới cho nhiều người lao động trong tỉnh Tiền Giang, đủ điều kiện đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở Nhật, Hàn với mức thu nhập cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm luôn quan tâm đến công tác tư vấn nghề - tư vấn việc làm người lao, đặc biệt là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thống kê, trong 8 tháng đầu năm Trung tâm đã tư vấn nghề – việc làm cho gần 20 ngàn lượt lao động, đạt 99% kế hoạch năm (trong đó, tư vấn việc làm cho người lao động thất nghiệp là hơn 15 ngàn lượt người).
Để hoạt động kết nối việc làm thêm hiệu quả, trong 8 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hơn 30 hoạt động giao dịch việc làm. Trong đó, có gần 20 phiên giao dịch việc làm hỗ trợ người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Cơ sở 2, chi nhánh Cai Lậy và chi nhánh Gò Công; 2 phiên giao dịch việc làm định kỳ; 2 phiên giao dịch việc làm lưu động phối hợp với phòng LĐTBXH huyện Gò Công Tây và huyện Cai Lậy.
Bên cạnh đó, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với Phòng Lao động việc làm – Giáo dục nghề nghiệp Sở LĐTBXH tỉnh Tiền Giang tổ chức 4 Ngày hội Việc làm tại các trường: Cao đẳng Tiền Giang, Trung cấp Cai Lậy, Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè, Trung cấp Gò Công. Qua thống kê các hoạt động này, có hơn 80 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn tuyển dụng, phỏng vấn trực tiếp. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước có như cầu tuyển dụng hơn 10.300 vị trí việc làm với các ngành nghề như: chuyền trưởng, tổ trưởng, kỹ thuật xưởng, KCS, kế toán, kỹ thuật điện – cơ khí, kỹ thuật sửa xe máy,… Dịp  này, cũng có 38 lượt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia tuyển dụng; thống kế có 2.657 người lao động được các doanh nghiệp này tư vấn việc làm tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (404 người đã được tư vấn và 196 người được tuyển dụng trực tiếp và nhận hồ sơ hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp; số người được giới thiệu đến các doanh nghiệp tuyển dụng gián tiếp là 59 người.
Anh-TT-DVVL-TG-1ok.jpg
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đại diện Trung tâm Dịch vụ tỉnh Tiền giang cho biết, trong 8 tháng đầu năm có  2.198 lượt lao động (trong đó có hơn 1.000 là người  lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp) được Trung tâm giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, trong đó có 807 lao động có được việc làm ổn định. Về tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: từ tháng 12/2022 đến đầu tháng 8/2023, đã có 322 lao động xuất cảnh chính thức đi làm việc có thời hạn (riêng trong tháng 8/2023 có 33 lao động) được đi xuất cảnh tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Canada…
Song song với những hoạt động trên, công tác thông tin thị trường, kết nối cung – cầu lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang quan tâm, triển khai đồng bộ. Trong 8 tháng có hơn 90 lượt doanh nghiệp gửi báo cáo tình hình biến động lao động hàng tháng. Dịp này, Trung tâm cũng nhận được gần 200 lượt  doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với gần 10 ngàn vị trí việc làm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng nhận được gần 2.000 thông tin nhu cầu tìm việc của người lao động. Qua những thông tin này, Trung tâm đã có những phân tích kịp thời về cung – cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn diễn ra với khoảng cách khá lớn: nhu cầu tuyển dụng phần lớn là lao động phổ thông, trong khi nguồn lao động phổ thông ngày càng khan hiếm, còn lao động có chuyên môn có nhu cầu tìm việc nhiều nhưng nhu cầu tuyển dụng ít; đa số người lao động có tâm lý ngại làm việc tại các công ty mang tính chất gò bó, cạnh tranh năng suất, mức phạt trên tiền lương, nội qui khác nhau... theo đó các hoạt động giao dịch việc làm thời gian qua của Trung tâm, kết quả còn chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Dân Quyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang cho biết, để hoạt động đạt được kết quả tốt hơn nữa, những tháng cuối năm Trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động mất việc trong công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn nghề -  việc làm cho người lao động; tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm vào ngày 20 hàng tháng tại Trung tâm, Cơ sở 2 và chi nhánh; tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Song song đó, tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm dành cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; phối hợp Hội phụ nữ tỉnh để tư vấn, tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ huyện, thành, thị tổ chức các phiên giao dịch việc làm năm 2023 tại địa phương theo Tiểu dự án 3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; phối hợp Phòng LĐTBXH các huyện, thành, thị tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, tư vấn xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, tổ chức thu thập thông tin từ các doanh nghiệp tại các khu - cụm công nghiệp trong tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó kết nối việc làm cho người lao động, đặc biệt là những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để họ sớm ổn định cuộc sống.